Cập nhật 16/2/2016 - 15:15
Đàn Guitar và "văn hóa nhậu" của người Sài Gòn
Hiển nhiên tiếng đàn ghi ta và những giai điệu vang lên trong cuộc nhậu không phải và cũng không cần thỏa mãn những giá trị sống hay giá trị nghệ thuật to tát, cao vời, mà chỉ là sự trải lòng của từng cá nhân có cuộc sống bình dị với những đau khổ, hạnh phúc cũng bình dị.
Đến với Sài Gòn, đặc biệt là ban đêm, bạn sẽ không khỏi choáng ngợp với những quán nhậu trải dài từ hẻm nhỏ ra đến đường lớn. "Ăn nhậu" đã là một nét đặc trưng riêng của thành phố này mà dù đi bất cứ đâu bạn cũng không dễ gì tìm thấy. Tiếng hát, tiếng đàn Guitar, tiếng trống xen lẫn tiếng cười nói tạo nên một không khí sôi nổi, vui vẻ như chính con người nơi đây.
Sài Gòn đón tiếp bạn bằng những câu thăm hỏi trên bàn ăn uống.
Người Sài Gòn vốn nồng hậu, phóng khoáng. Không chỉ có vậy, đất Sài Gòn còn được mệnh danh là thiên đường ẩm thực Việt Nam, bởi lẽ dù lịch sử phát triển không dài nhưng mọi tinh hoa ẩm thực đều được mang tới, thăng hoa tại mảnh đất này. Đức tính của người dân cùng sự phong phú về ẩm thực đã hình thành một nét văn hóa rất độc đáo của người Sài Gòn: Văn hóa nhậu.
Thành phố hoa lệ này đón tiếp bạn bè tới thăm bằng những câu thăm hỏi trên bàn ăn uống. Văn hóa nhậu của người Sài Gòn hào phóng, sôi nổi như chính con người nơi đây. Người Sài Gòn cũng không tự bó buộc mình trong một quy chuẩn nào trên bàn nhậu, nơi đâu cũng có thể nhậu nhưng ưa chuộng hơn cả là những không gian sân vườn rộng thoáng, cảnh sắc giản dị. Điều này có phần khác biệt với nếp sinh hoạt ưa thẩm mỹ và sự cầu kì của người miền Bắc.
( Nguồn ảnh: Phuot.com)
Cạn chén là một “bộ luật bất thành văn” duy nhất của xã hội Việt Nam hôm nay và được áp dụng rất “nhất trí.” Gặp người quen: nhậu, gặp người lạ mời: cứ nhậu trước rồi khắc quen sau. Vậy nên người Sài Gòn dường như bày tỏ hết mình nhất, sau mê nhất là trong những cuộc nhậu. Có hàng trăm lí do để bạn có thể được một ai đó rủ nhập cuộc nhậu: bạn bè lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng là nhậu; ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp cũngnhậu; có chuyện vui, buồn lại nhậu; hết giờ làm việc các đồng nghiệp cùng nhau thư giãn cũng nhậu; có khách đến nhà thì nhậu… Ai không muốn nhậu thì bị coi là “chơi không vô”, “không cùng hội cùng thuyền”, thuộc loại “cần phải đề phòng” …
Người Sài Gòn coi nhậu như một phương thức giao tiếp đặc biệt, là cách để bày tỏ tình cảm, lòng mến khách hay văn hóa của bản thân. Dù “những cuộc vui thâu đêm” đôi lúc có mang lại chút “phiền” nho nhỏ khi kết thúc, nhưng dẫu sao những cuộc nhậu cũng khiến con người ta xích lại gần nhau hơn, củng cố tình người, thêm yêu thương, gắn bó với mảnh đất phồn hoa và những giá trị cuộc sống.
Nhậu để gắn kết, để chia sẻ là rất tốt, nhưng cũng không nên quá chén. Uống rượu khi nào còn thấy ngon thì là đủ, khi nào vừa đủ ... lâng lâng nhưng vẫn còn kiểm soát được mình thì là đủ. Uống là để thưởng thức, khi nó không còn là thưởng thức nữa thì nó sẽ là thuốc độc, là cái làm người ta khó chịu.
Vì vậy bên bàn nhậu,mỗi người nên tự điều chỉnh với chính mình, không nên uống cố, uống để khẳng định mình, ... vì khi đó sẽ không còn là thưởng thức và nguy hại hơn là những hậu quả lâu dài mà nó có thể để lại.
Tiếng đàn ghi ta và những giai điệu vang lên trong cuộc nhậu là sự trải lòng của từng cá nhân có cuộc sống bình dị với những đau khổ, hạnh phúc cũng bình dị (Ảnh: Vietnamnet)
Khi uống xong mọi người thường có nhu cầu giải tỏa cơn say bằng cách đi hát hay đi nhảy. Người Hà Nội sẽ vào ngay 1 quán Karaoke để thỏa sức hò hét cùng bè bạn. Người Sài Gòn cũng vậy, nhưng họ còn có vô vàn cách khác để khiến cơn say biến mất ngay trên bàn nhậu. Đó chính là tiếng đàn, tiếng hát... và khi tiếng đàn, câu hát có chút men nó trở lên "hay lạ".
Đàn Guitar – nhạc cụ không thể thiếu cho mỗi cuộc vui
Guitar là một nhạc cụ nhỏ gọn và rất dễ chơi. Bên cạnh đó, đàn Guitar còn có giá thành không quá cao nên ai cũng có cơ hội sở hữu một cây Guitar dù kinh tế của họ có dư giả hay không. Một trong những ưu thế của nhạc cụ này là nếu bạn chơi đàn Guitar đệm hát thì không cần học quá chuyên sâu và tự học cũng rất đơn giản.
Có lẽ vì vậy mà không biết tự bao giờ, đàn Guitar đã trở thành một người bạn không thể thiếu cho mỗi cuộc vui – đặc biệt là cuộc vui của người Sài Gòn. Chất bụi bặm, phóng khoáng, lãng tử, sôi nổi .. trong từng giai điệu của nhạc cụ này như chính con người mảnh đất Sài thành đầy nắng gió. Trong không gian hạn hẹp của một cuộc nhậu chẳng phải là chén rượu mà chính tiếng đàn Guitar đã là một thông điệp cảm xúc kéo người ta gần lại, lột người ta khỏi mặt nạ khách sáo giả tạo!
.... và khi tiếng đàn, câu hát có chút men nó trở lên "hay lạ".
Phong cách nhậu của người Sài Gòn rất thoáng, rất giản dị, có khi chỉ một nồi lẩu đơn sơ, vài đĩa thức ăn, dăm chén rượu, một cây Guitar cũng trở thành bữa nhậu hoành tráng, cái họ đề cao trong bàn nhậu là sự nhiệt tình, đoàn kết và thật lòng hơn là sự trang trọng trong đồ ăn, thức uống. Trong góc quán, phòng trọ, sân nhà..., cuộc nhậu của những người đàn ông vào mỗi chiều tối hoặc ngày nghỉ thường bắt đầu từ những câu chuyện công việc, thế sự và kết thúc bằng những bản Guitar sôi nổi hoặc đầy lãng mạn. Nhiều người vẫn không hiểu ma lực nào mà mỗi khi cây đàn ghita dạo lên giai điệu Bolero là cả bàn nhậu cùng rơi vào vùng cảm xúc, có khi còn say hơn cả cơn say do rượu.
Đâu đó những tay Guitar sinh viên, học sinh cũng gật gù cùng cây Guitar với đủ lý do: sinh nhật, thi đỗ, tìm được việc làm thêm và tất nhiên cả chuyện… thất tình, thi rớt nữa. Dân viết lách, nghệ sĩ thường hay nhậu nhẹt, phần vì ham vui, giải tỏa stress, phần vì muốn tìm kiếm thông tin, nhặt nhạnh tư liệu sống, tìm cảm hứng, ý tưởng quanh bàn nhậu, có khi lại nảy sinh một kiệt tác nghệ thuật.
Hiển nhiên tiếng đàn ghi ta và những giai điệu vang lên trong cuộc nhậu không phải và cũng không cần thỏa mãn những giá trị sống hay giá trị nghệ thuật to tát, cao vời, mà chỉ là sự trải lòng của từng cá nhân có cuộc sống bình dị với những đau khổ, hạnh phúc cũng bình dị.
Bên cây Guitar - người Sài Gòn vẫn rất trẻ dù đã bao nhiêu tuổi. Diện mạo trẻ trung, năng động và phát triển nhanh chóng của một thành phố công nghiệp “không biết mệt mỏi” khiến du khách thập phương đến đây đều nhanh chóng hòa nhịp, và nếu muốn hiểu người Sài Gòn ra sao xin hãy xách Guitar lên và ghé vào chiếu nhậu, bạn sẽ thấy… có một người Sài Gòn như thế.
Tiến Đạt (Tổng hợp)